– Bỏ ra một số tiền lớn để mua những chiếc điện thoại không phải để lướt web hay nghe nhạc mà chỉ chủ yếu mang về để chán chán mang ra đập, gặp cướp thì có cái mà mang ra tự vệ, kể cũng hay hay.

Liệu những người dùng sau khi đã sử dụng những chiếc điện thoại như vậy trong thời gian dài, họ có hối hận không khi bỏ tiền ra mua thứ “chẳng giống ai” về để xài hàng ngày?

Sonim, những chiếc điện thoại mua về cho con “phá”


Ra mắt vào cuối năm 2008, cho tới bây giờ thì mặc cho các loại điện thoại cao cấp liên tục mất giá trên thị trường, Sonim XP3 vẫn ở mức giá 10 triệu đồng.

Không nhiều người chơi dòng Sonim ở Việt Nam, bởi chiếc điện thoại “dành cho người giàu” này lại không hề có tính năng cao cấp được trang bị.

Cho máy "tắm" là một trong những sở thích của những người chơi Sonim

“Không 3G, không camera, màn hình bình thường”, đó là miêu tả của anh Phạm Hồng Minh (phố Lò Đúc) về chiếc điện thoại của mình. Chiếc XP3 được anh xách về từ Luân Đôn và cho đến nay vẫn là chiếc điện thoại anh hay dùng nhất.

Nhà có con nhỏ mới 3 tuổi, sở thích của cháu là cầm điện thoại của bố nghịch để ném xuống nền hàng ngày, nhưng cháu ném mãi mà Sonim vẫn không hề hấn gì, anh cho biết đấy là một trong những điều anh thích của chiếc XP3.


“Bản thân tôi là người bận rộn, đi lại suốt ngày cũng không có thời gian dùng mạng nên chọn chiếc này, chỉ sợ làm mất chứ chẳng bao giờ lo hỏng”.

Anh Minh nói, khi nào con anh lớn hơn và không ném điện thoại nữa thì anh sẽ nghĩ tới việc dùng một chiếc Smartphone để con có thể chơi những game trí tuệ trên điện thoại.

Đèn pin trên Sonim XP3 hoạt động rất "chất"

Ngoài việc là chiếc điện thoại siêu bền, XP3 còn có pin cực “trâu bò” với hai ngày nghe gọi liên tục và thời gian chờ có thể lên tới… nửa tháng.

Một người dùng khác là anh Tuấn Đức (Hàng Nón) cho hay, mọi người cứ đùa tôi “anh ở phố mà lại dùng điện thoại dành cho nông dân, chẳng có chức năng gì cả, mà anh cũng đâu phải hảo hớn gì mà cần dùng cái này trong người để… tự vệ”.

Thế nhưng, mặc cho mọi lời xì xào thì anh vẫn chịu khó bỏ ra tới 14 triệu đồng và là một trong những người hiếm hoi tại Việt Nam sở hữu chiếc XP3300 Force mà Sonim mới ra mắt trong tháng 1/2011.

Mình chơi mình biết

Không hào nhoáng lập hội như những người hâm mộ của Android hay iOS, cũng chẳng bao giờ nhận được những lời thán phục khi giới thiệu các tính năng trong chiếc điện thoại của mình, những người chơi Sonim có một thế giới riêng và họ chỉ cần họ yêu thích “dế” của mình là đủ.

“Có những đặc điểm rất lạ ở chiếc máy này, bình thường một chiếc máy dùng trong 1 năm thì thời gian dùng của pin sẽ giảm sút… nhưng chỉ cần reset factory là lại như cũ, có thể điều này sẽ bị trả giá bằng tuổi thọ của pin, nhưng cho đến bây giờ thì pin vẫn sống tốt”, anh Hồng Minh hào hứng.

Đọ dáng cùng Smartphone của Motorola

Là một người đã trưởng thành, những người như anh Đức có lẽ chỉ “yêu” chiếc điện thoại của mình bằng cách hàng ngày sử dụng nó, còn những người trẻ hơn thì có những cách thể hiện rất riêng.

“Lúc đi phượt thì chẳng bao giờ sợ hết pin, rơi thoải mái, tối thì em dùng nó làm đèn pin… trong những ngày bình thường thì thỉnh thoảng cho nó tắm (ném xuống nước), hoặc vùi trong cát, hoặc lâu lâu để trong tủ lạnh nghịch”. Trần Phương Lâm (18 tuổi – sở hữu Sonim XP3) nói: “em cũng muốn mang máy ra nấu chung với mì tôm như người ta làm… nhưng còn đang đắn đo sợ làm hỏng mất cái nồi nên chưa thử”.

Ngoài ra, hộp đựng những chiếc máy của Sonim còn được thiết kế như Bongke quân sự hoặc hộp đạn, những ai đam mê “món” nhà binh, vũ khí hẳn sẽ rất thích khi được sở hữu một chiếc điện thoại như vậy.

“Mọi người hỏi em là sao không chơi iPhone hay máy gì khác mà cứ dùng con cục gạch này?, nhưng chẳng ai nghĩ rằng em mua chiếc máy này về dùng chứ không phải để bán lại và đổi điện thoại xoành xoạch như họ mà lo mất giá”, Lâm khẳng định.

Bỏ qua mọi lời “dèm pha” rằng mình điên, hay thiếu hiểu biết, những người chơi máy Sonim luôn có một lý lẽ rất riêng, đó là sở hữu một chiếc điện thoại với đầy đủ những tính năng cơ bản và quan trọng là siêu bền để có thể “đè bẹp” bất kì sự phá phách nào với điện thoại của họ.

Bài và ảnh: Phan Minh (vtc.vn)