"Tôi yêu chiếc iPhone của mình. Tôi mang iPhone theo khắp mọi nơi. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ iPhone có thể giết chết sự sáng tạo của mình". Đó là những lời mở đầu một bài viết của tác giả Brian S. Hall trên trang web ReadWrite.
Liệu iPhone hay smartphone có thực sự giết chết sự sáng tạo của con người? Có thể bạn sẽ cười nhạo khi bắt gặp câu hỏi như vậy nhưng với Brian S. Hall, ông có những cơ sở để mà lo ngại. Cụ thể như thế nào, mời bạn đọc theo dõi dưới đây.
Bạn sẽ không có cơ hội để buồn chán nếu luôn có iPhone bên cạnh?
Đã có rất nhiều nghiên cứu và ý kiến được nhiều người công nhận nói rằng có những lúc chúng ta cảm thấy buồn chán, không có gì để làm cả, và khoảng thời gian này rất có lợi cho các ý tưởng đột phá và hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, với việc iPhone – hay bất kỳ smartphone nào khác – luôn ở trong tay của chúng ta, thì đầu óc chúng ta luôn luôn bận rộn, luôn nhìn lên chiếc màn hình của điện thoại, và như thế đơn giản là chúng ta không bao giờ cảm thấy buồn chán, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không còn sáng tạo.
Peter Toohey, tác giả cuốn sách "Boredom: A Lively History" (tạm dịch: Buồn chán: Một lịch sử sống động) đã nói rằng sự buồn chán chính là một cảm giác "mong muốn, khát khao, nhưng không thể làm gì để thoả mãn bản thân".
Không nghi ngờ gì nữa, với smartphone chúng ta có thể dễ dàng tránh được sự nhàm chán. Chúng ta luôn có những hoạt động làm thoả mãn bản thân, dù đó là chụp nhanh một bức ảnh bữa ăn, chơi trò chơi Angry Birds, check-in trên Foursquare hay để lại một lời nhắn.
Mới đây, Apple đã tung ra chiến dịch marketing hoàn hảo, trình diễn những chức năng và sự thú vị mà iPhone thực sự có thể mang lại cho hàng triệu người dùng. Có rất nhiều thứ mọi người có thể làm trên thiết bị đầy ma thuật này, một cách đơn giản, một cách nhanh chóng, từ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Vấn đề là sự kỳ diệu, tuyệt vời này có thể không hẳn đã tốt. Ít nhất thì, không phải lúc nào những chức năng trên cũng luôn luôn tốt.
Trong một bài báo mới đây đăng trên trang web của hãng tin Mỹ Bloomberg, các nhà quảng cáo lớn, trong đó có Coca-Cola và Hearst, đã bày tỏ mối lo ngại về việc doanh số của các cửa hàng tạp phẩm sụt giảm. Điều này không có gì đang ngạc nhiên. Luôn dán mắt vào smartphone, hay nói đúng hơn là "bịt mắt smartphone", mọi người đã không để ý nhiều đến việc mua những phong kẹo cao su hay những tờ báo giải trí.
Nhiều năm nay, các nhà xuất bản vẫn trông chờ những người khách mua sắm nhàn rỗi đang đứng chờ ở lối kiểm tra hàng hoá, hay chờ để thanh toán hàng hoá, chọn mua một tờ báo, đọc nhanh một tít bài và bỏ luôn tờ báo vào túi hàng bên cạnh các túi sữa, trứng. Nhưng nay thời đại smartphone đã đến. Những ngày này, người tiêu dùng có thể nhanh chóng liếc nhìn một tin nhắc hay kiểm tra tài khoản Facebook, thay vì đọc một bài báo hay mua một phong kẹo.
Nhưng người dùng đang phải trả giá cho thói quen này. Dành quá nhiều thời gian để nhắn tin, cập nhật, lên Facebook và xem video, gọi điện, chơi game ở bất kỳ khoảnh khắc nhàn rỗi nào, suy nghĩ của con người không bao giờ được thảnh thơi. Điều này đã tác động đến sức sáng tạo của con người, từ đó dẫn đến tiềm năng của mỗi người bị hạn chế.
Edward de Bono, một cố vấn kinh doanh và là tác giả của nhiều tác phẩm viết về suy nghĩ sáng tạo, đã gọi những khoảnh khắc buồn chán chính là những "điểm dừng sáng tạo", cho phép suy nghĩ được trôi dạt, bay bổng và mang đến cho con người những dạng năng lượng và cách hiểu biết mới.
Sự buồn chán thậm chí còn quan trọng đối với trẻ em hơn là người lớn. Theo chuyên gia giáo dục, Tiến sỹ Teresa Belton, việc dành quá nhiều thời gian vào các thiết bị có thể "giảm bớt sự phát triển năng lực sáng tạo" ở trẻ em. Các chuyên gia giáo dục khác cũng có những gợi ý tương tự rằng trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ sẽ được hỗ trợ qua những cơn buồn chán đó.
Đầu năm nay, các nhà tâm lý học của trường Đại học Central Lancashire (UCLan, Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu về tiềm năng của sự buồn chán và nhận thấy khoảng thời gian mà con người mơ màng có thể nâng cao năng lực sáng tạo của chúng ta. Trưởng nhóm nghiên cứu tại trường UCLan, Tiến sỹ Sandi Mann, đã nhấn mạnh vai trò của sự buồn chán trong xã hội: "Tôi thực sự tin rằng chúng ta không nên sợ sự buồn chán và rằng tất cả chúng ta – người lớn, trẻ em, người lao động, người không lao động - trong cuộc sống của mình đều cần đến một chút buồn chán. Tất nhiên tôi không nói rằng chúng ta nên tham dự vào những cuộc họp buồn chán để tận dụng lợi ích của nó, nhưng cho phép các nhân viên có những khoảng thời gian buồn chán, vô vị, không có việc gì làm và để họ mơ mộng, để tâm trí của họ bay bổng, lang thang có thể mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức".
Tất nhiên, không thể loại trừ việc smartphone vừa giết chết sự buồn chán của chúng ta vừa giúp giải phóng thời gian tốt hơn, phong phú hơn. Chẳng hạn, giáo sư tâm lý Gary Marcus đã phân biệt hai cách cơ bản mà chúng ta dùng để đối phó sự buồn chán.
"Buồn chán là cách não bộ nói với bạn rằng bạn nên làm một cái gì đó. Nhưng bộ não không phải lúc nào cũng biết điều thích hợp nhất để làm. Nếu bạn buồn chán và dùng nguồn năng lượng đó để chơi ghita và nấu ăn, nó sẽ giúp bạn vui vẻ. Nhưng nếu bạn xem TV, nó có thể khiến bạn vui trong chốc lát, nhưng không vui lâu dài".
Tuy vậy, rất nhiều những thứ chúng ta làm với smartphone chỉ mang lại niềm vui chốc lát, như việc chơi game khi đang đứng xếp hàng, một phút quét qua Instagram. Một nghiên cứu do hãng viễn thông O2 của Anh thực hiện hồi năm ngoái đã xem xét tổng thời gian mà một người dùng điển hình sẽ dành cho smartphone mỗi ngày. Hầu hết đó là mọi người lướt web, lên các trang mạng xã hội, chơi game, nghe nhạc, gọi điện thoại, email và nhắn tin – chứ không phải là để học một ngoại ngữ mới.
Trong công việc, các nhân viên thường được khuyến khích sáng tạo, suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ (think outside the box). Nhưng việc cái đầu của chúng ta dành quá nhiều thời gian trong chiếc hộp – cứ cắm cúi vào smartphone – cũng có thể có nghĩa là chúng ta đang hạn chế sự sáng tạo của mình, chúng ta không có thời gian để nhìn vào một bức tranh lớn hơn, để có các kết nối mới mẻ, để cho phép bộ não nghỉ ngơi, để nhìn và nghe và tiếp nhận những thay đổi.
Giá mà, tất cả những lý luận trên đều sai.