-
Đánh giá điện thoại Lenovo P770
Lenovo P770 là điện thoại mới được giới thiệu tại thị trường Việt Nam. Tuy có cấu hình và kiểu dáng không hấp dẫn, điểm đặc biệt của chiếc điện thoại này là dung lượng pin rất lớn, lên tới 3500 mAh.
Các smartphone chạy Android giờ đây rất đa dạng và hầu như với mỗi nhu cầu như màn hình đẹp, kiểu dáng độc đáo, chụp ảnh đẹp, cấu hình cao… đều có nhiều điện thoại với những mức giá khác nhau có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, đối với smartphone thì thời gian sử dụng pin được 2 ngày đã có thể nói là nhiều. Công nghệ pin chưa có bước đột phá, nên cách đơn giản nhất để tăng thời gian sử dụng pin là dùng một viên pin to, dày và dung lượng lớn hơn. Tuy nhiên điện thoại ngày càng có cấu hình cao và thiết kế mỏng nhẹ được ưa chuộng lại là những giới hạn cho pin.
Trong các dòng sản phẩm được Lenovo giới thiệu tại Việt Nam vào tháng Một năm nay, P770 là điện thoại duy nhất thuộc dòng P nổi bật với pin dung lượng lớn (3500 mAh). Chỉ nhìn qua thì Lenovo P770 có vẻ như hoàn toàn loại bỏ những xu thế trên, để đem lại thời gian sử dụng pin cao nhất. Cấu hình máy có thể nói là bình thường, kiểu dáng hơi dày, được trang bị một viên pin với dung lượng tới 3500 mAh. Liệu ưu điểm về pin có đủ để thuyết phục người dùng bỏ tiền ra mua chiếc điện thoại này?
Thiết kế
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi cầm P770 trên tay, đó là máy khá dày. Độ dày do nhà sản xuất công bố là 11,9 mm. Kết hợp với trọng lượng 161 g, chiếc điện thoại này đem lại cảm giác khá to và nặng. Thành phần đóng góp nhiều nhất vào độ dày và trọng lượng của máy chính là viên pin ngoại cỡ.
Các góc của P770 tròn trịa, cầm máy khá ôm tay. Máy được làm hoàn toàn từ chất liệu nhựa, mặt sau của máy bóng và dễ bám vân tay. Các lớp vân chìm mặt sau khiến tôi có đôi chút liên tưởng đến chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3. Tuy nhiên mặt sau của máy không được chắc chắn lắm, khi bóp vào hai cạnh dễ nhận thấy vỏ máy bị lún vào và tạo tiếng kêu khá lớn.
Lenovo P770 có ba phím cảm ứng ở phía dưới màn hình, trong đó phím Home có kiểu dáng hơi khác thường. Sát mép dưới là một lớp vỏ bóng giống như mặt sau. Ở phía trên gần màn hình có một đèn LED báo trạng thái sạc, tin nhắn hay cuộc gọi lỡ. Lớp phủ màn hình của máy có màu sáng, khác biệt hẳn viền màn hình, tạo cảm giác viền màn hình hơi dày.
Các cạnh của máy
Nút nguồn của điện thoại này được đặt trên đỉnh máy, tuy nhiên do độ dốc ở phần này nên nút nguồn hơi khó bấm, đôi khi tôi phải bấm tới lần thứ hai mới mở được máy. Giắc cắm tai nghe và cổng kết nối MicroUSB cũng được đặt gần nút nguồn. Nút chỉnh âm thanh nằm ở cạnh phải, cạnh trái hoàn toàn trống, còn cạnh dưới có một khe để mở nắp lưng.
Pin của máy có dung lượng 3500 mAh
Ở dưới nắp lưng, có thể dễ dàng nhận ra viên pin của P770, với kích thước khá lớn. Trên viên pin cũng ghi rõ điện áp của pin là 3,7 V, dung lượng 3500 mAh. Hai khe cắm SIM và khe cắm thẻ nhớ MicroSD được bố trí gần pin, và để tháo lắp bất kì thẻ nào trong ba khe cắm này người dùng đều phải tháo pin.
Để thay SIM và thẻ nhớ cần phải tháo pin ra trước
Nhìn chung thiết kế của P770 không hấp dẫn, có phần hơi dày và thô. Máy cũng chỉ có lựa chọn duy nhất về màu sắc là màu xanh đen. Có lẽ với những người muốn một chiếc máy đẹp thì P770 không phải là một lựa chọn hợp lý.
Màn hình và loa ngoài
Lenovo P770 có màn hình 4.5 inch, sử dụng công nghệ hiển thị IPS với độ phân giải 960 x 540 pixel. Với công nghệ hiển thị IPS, góc nhìn của màn hình khá rộng, khi nhìn ở góc lệch đi một chút thì màu sắc cũng không bị biến đổi nhiều. Tuy vậy, màu sắc thể hiện trên màn hình hơi xỉn, ngả sang màu vàng.
Góc nhìn của màn hình khá rộng, khi nhìn nghiêng thì màu sắc không bị biến đổi nhiều
Độ sáng tối đa của màn hình cũng khá thấp. Do lớp phủ màn hình khá bóng, việc nhìn màn hình ở ngoài nắng khá khó khăn. Tôi đánh giá chất lượng màn hình của máy ở mức khá, với ưu điểm lớn nhất là góc nhìn tốt.
Loa ngoài có kích thước nhỏ nhưng phát ra âm thanh khá lớn, không bị chặn lại khi đặt lên mặt phẳng
Loa của máy được đặt ở phần dưới nắp lưng. Âm lượng của loa khá lớn, đủ nghe trong môi trường có nhiều tiếng ồn. Do nắp lưng của máy hơi cong lên nên khi đặt loa lên mặt phẳng thì âm thanh cũng không bị biến đổi nhiều.
Máy ảnh
Khu vực máy ảnh của Lenovo P770
Máy ảnh trên Lenovo P770 có độ phân giải 5 megapixel, có đèn LED trợ sáng. Khu vực camera hơi lồi lên ở mặt sau trông không đẹp cho lắm. Máy không có nút chụp ảnh riêng, nhưng trên giao diện ban đầu của máy thì tính năng chụp ảnh được để ngay màn hình chính. Ứng dụng chụp ảnh khởi động khá nhanh, chỉ mất hơn 1 giây từ khi bấm chọn.
Tôi nhận thấy ảnh chụp từ P770 trong điều kiện đủ sáng có chất lượng khá tốt. Khi xem ảnh ở độ phân giải thực thì ảnh vẫn khá đủ chi tiết. Màu sắc của ảnh hơi rực rỡ hơn so với thực tế. Khi điều kiện ánh sáng kém hơn, ảnh chụp của P770 trông không được tốt như trước, nhưng khả năng bắt sáng khá tốt, ảnh ở mức chấp nhận được nhưng đôi khi hơi nhiễu. Nhìn chung khả năng chụp ảnh của P770 là ổn với tầm giá.
Một số hình ảnh chụp từ Lenovo P770:
Ảnh chụp vào ban ngày, trời sáng
Ảnh chụp trong nhà vào buổi tối
Ảnh chụp ngoài đường, trời tối, ít đèn đường
P770 hỗ trợ quay phim với độ phân giải 720p. Tuy có bitrate khá cao (12 mbps) nhưng chất lượng video không sắc nét, các chi tiết khá mờ. Phim xuất ra ở định dạng 3GP cũng khó xử lý và ít phổ biến hơn định dạng MP4 trên đa số điện thoại khác.
Phim HD 720p quay từ Lenovo P770:
<br />
Hiệu năng
Lenovo P770 được trang bị cấu hình với vi xử lý lõi kép của hãng MediaTek với xung nhịp 1.2 GHz, chip xử lý đồ họa PowerVR SGX-531 và bộ nhớ RAM 1 GB. Có thể nói cấu hình của máy không có gì nổi bật. Các điểm số đánh giá hiệu năng của máy ở mức bình thường, chỉ tương đương các điện thoại Android hai nhân đời đầu. Đặc biệt là điểm số của đồ họa, được đánh giá qua ứng dụng GL Benchmark, là khá thấp.
Các điểm số đánh giá hiệu năng của Lenovo P770
Khi sử dụng thực tế, tôi cảm thấy hiệu năng của máy là chấp nhận được, không phải là kém. Thao tác kéo qua các màn hình trong menu ứng dụng hơi chậm, nhưng không đến nỗi giật. Khi lướt các trang web bản đầy đủ, máy xử lý khá tốt. Kể cả khi chơi một số game như Temple Run Oz hay game đua thuyền Riptide GP tương đối nặng đồ họa, máy cũng vẫn chạy được và không bị giật.
Khi sử dụng máy để xem phim, tôi nhận thấy P770 có khả năng xem được phim với độ phân giải HD 720p. Khi bật ban đầu thì máy khá giật, sau khi chạy một lúc thì phim chạy mượt hơn, nhưng đôi khi vẫn hơi giật. Đối với phim HD 1080p thì máy chạy giật, không đạt mức "xem được". Khi xem phim thì máy hơi ấm, còn nóng hơn khi chơi game.
Pin
Pin dung lượng lớn rõ ràng là điểm đáng chú ý nhất của chiếc điện thoại Lenovo P770. Pin của máy có dung lượng 3500 mAh và kích cỡ cũng lớn hơn hẳn so với pin trên các điện thoại bình thường.
Tôi sạc đầy pin và rút sạc vào 0 giờ sáng, để máy qua đêm trong khoảng 6 giờ, lướt web và xem video trên YouTube qua 3G trong khoảng 30 phút, bật phim trong khoảng 1 giờ, chơi game khoảng 30 phút, thời gian còn lại luôn bật kết nối WiFi và 3G để nhận thư và các tin báo. Đến 3 giờ chiều, pin của máy còn 47%. Cụ thể, máy mất khoàng 10% sau khi chơi game 30 phút, 15% sau khi xem phim 1 giờ, 9% sau khi lướt web 30 phút. Tuy nhiên, máy mất khá nhiều pin khi để qua đêm: chỉ sau 6 giờ máy đã mất 7% pin.
Như vậy nếu như sạc đầy máy vào buổi sáng và sử dụng với cường độ tương tự như trên, máy có thể chạy hết một ngày mà vẫn còn khoảng 50% pin. Nếu như chỉ sử dụng thao tác nghe gọi là chính, hạn chế dùng 3G hoặc chơi game thì máy có thể dùng được khoảng hơn 2 ngày.
Bài đánh giá GL Benchmark là phần duy nhất P770 cho kết quả thực sự vượt trội
Để so sánh với các điện thoại khác, tôi sử dụng bài đánh giá pin khi chơi game và xem phim. Khi đánh giá bằng bài kiểm tra chạy pin của ứng dụng GL Benchmark, giả lập tình huống chơi game nặng, máy đạt thời gian chạy tới 10 giờ 20 phút. Con số này là thực sự ấn tượng, nhất là khi so sánh với các điện thoại gần đây mà chúng tôi đánh giá: điện thoại có pin tốt nhất cũng chỉ đạt thời gian 3 giờ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là tốc độ xử lý hình ảnh của P770 trong đánh giá này là thấp hơn nhiều so với các điện thoại mà chúng tôi từng đánh giá, và điều này cũng ảnh hưởng tới thời gian sử dụng pin.
Tuy nhiên đến khi xem phim thì máy lại không tạo được ấn tượng. Tôi sử dụng máy để bật một phim với độ phân giải 720p, cắm tai nghe ở mức 80% và độ sáng màn hình ở mức 80%. Sau ba lần chạy cạn pin, máy lần lượt đạt mức thời gian chạy là 7 giờ, 5 giờ 30 phút và 6 giờ 2 phút. Nếu như duy trì được mức 7 giờ thì thời gian sử dụng pin để xem phim của P770 khá ấn tượng, hơn khoảng 20% so với các điện thoại được chúng tôi đánh giá gần đây. Tuy nhiên có vẻ hiệu quả sử dụng pin của máy không được ổn định.
Một điểm thú vị nữa của P770, đó là máy hỗ trợ sạc các thiết bị khác thông qua cáp nối USB OTG. Khi kết nối hai điện thoại với nhau, điện thoại còn lại sẽ nhận được điện và sạc theo kiểu sạc chậm, giống như khi cắm vào máy tính. Nhìn chung cách sạc này đủ cho bạn "duy trì sự sống" cho chiếc điện thoại còn lại, chứ cũng không quá tốt.
Phần mềm
Giao diện màn hình chính của Lenovo P770
Lenovo P770 được cài sẵn hệ điều hành Android phiên bản 4.1.1. Lenovo cũng tùy biến đôi chút giao diện của máy, đưa các ứng dụng thường xuyên dùng và một số widget như pin hay ghi chú ra màn hình chính. Có thể thấy giao diện của P770 khá tương đồng với chiếc điện thoại Lenovo P700i mà chúng tôi đã đánh giá trước đây.
Giao diện gọi điện và bàn phím tiếng Việt của P770
P770 có riêng một ứng dụng quản lý pin, với bổ sung đáng giá nhất là tùy biến chế độ hoạt động. Máy cũng có một số ứng dụng hữu ích khác như đèn pin, thu phát sóng, Kingsoft Office… Một số tiện ích khác của máy bao gồm hẹn giờ bật và tắt máy, cùng với chế độ khởi động nhanh, cho phép máy sẵn sàng hoạt động chỉ 3 – 5 giây sau khi bật nguồn.
Máy có sẵn nhiều chế độ sử dụng pin, phù hợp với các trường hợp sử dụng khác nhau
Nếu như không thích các ứng dụng cài sẵn của Lenovo, người dùng có thể tìm cách cài bản ROM "chế" từ trên mạng để xóa các ứng dụng này.
Kết luận
Lenovo P770 khó có thể gây ấn tượng ban đầu cho người dùng với thiết kế thô và dày. Cấu hình vi xử lý lõi kép của máy cũng quá bình thường và chẳng thể gây ấn tượng trên giấy tờ. Những ưu điểm của máy chỉ có thể thấy khi sử dụng: hiệu năng thực tế không đến nỗi nào (chỉ hơi thất vọng khi xem phim), góc nhìn lớn và chụp ảnh khá tốt.
Rõ ràng điều mà Lenovo muốn nhấn mạnh ở sản phẩm này là dung lượng pin lớn, qua đó đem lại thời gian sử dụng pin ấn tượng. Có thể thấy Lenovo P770 cho phép người dùng sử dụng điện thoại khá thoải mái mà vẫn duy trì được pin gần 2 ngày. Trong dòng điện thoại giá rẻ, ít có điện thoại nào đem lại được thời gian sử dụng pin tốt như P770.
Lenovo P770 đã tạo được sự khác biệt trong dòng điện thoại giá rẻ, với thời gian sử dụng pin rất khá. Với mức giá 4,5 triệu đồng, người dùng cũng có nhiều lựa chọn khác bên cạnh Lenovo P770. Trong những điện thoại gần đây chúng tôi đánh giá, chiếc FPT IV có thiết kế và hiệu năng khá, nhưng thời gian sử dụng pin kém; chiếc HKPhone Revo HD4 có màn hình lớn, đẹp, cấu hình cao hơn nhưng lại có nhiều định kiến vì mang mác "máy Tàu" (Lenovo cũng là một nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng thương hiệu uy tín hơn). Một lựa chọn khác cũng đáng chú ý là Nokia Lumia 520, đến từ nhà sản xuất tên tuổi, thiết kế khá, chạy mượt mà nhờ hệ điều hành Windows Phone 8, nhưng do đó cũng hạn chế và gò bó hơn các điện thoại Android.
Rõ ràng để chọn được một điện thoại hài hòa về các tiêu chí ở phân khúc giá rẻ không phải là chuyện dễ dàng. Nếu như không quan trọng hình thức và muốn tìm một smartphone chụp ảnh đẹp, pin tốt thì Lenovo P770 có thể là một lựa chọn hợp lý cho người dùng.
View more random threads:
Quyền viết bài
- Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
- Bạn Không thể Gửi trả lời
- Bạn Không thể Gửi file đính kèm
- Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
-
Nội quy - Quy định
Tại Nhôm Kính Đại Phúc, phương châm "Khách hàng là trọng tâm" luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Chúng tôi hiểu rằng sự hài lòng của khách hàng chính là thước đo cho sự thành công của mình. Vì...
Chất lượng tạo nên thương hiệu nhôm kính Đại Phúc.