Nếu như Canon và Nikon là hai hãng lớn và có nhiều ống kính trang bị tính năng chống rung nhất thì Sony hay Pentax lại trang bị hệ thống chống rung bên trong máy ảnh của mình. Vậy hai hệ thống này có gì khác nhau và ưu nhược điểm của chúng là gì?
Câu truyện lịch sử về hệ thống chống rung của ống kính và cảm biến
Các ống kính chống rung do Canon và Nikon sản xuất từ thời máy ảnh số chưa phổ biến. (Ảnh: internet)
Lý do lớn nhất mà cả Nikon và Canon trang bị hệ thống chống rung trên ống kính xuất phát từ thời máy phim, khi mà việc đưa hệ thống chống rung cho cảm biến máy phim ngày đó là quá đắt đỏ. Canon bắt đầu sản xuất các ống kính chống rung vào năm 1995 còn Nikon bắt đầu từ khoảng năm 2000 và vào thời điểm đó, lượng người dùng máy số là cực kỳ ít ỏi. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi khi đó, một máy ảnh số có mức giá tới 30 ngàn USD. Hơn nữa, rất ít nhiếp ảnh cảm thấy việc chuyển từ máy phim sang dòng máy số là không cần thiết bởi đã quá quen với dòng máy này rồi. Và hiển nhiên, Canon và Nikon chỉ còn cách đưa hệ thống chống rung lên các ống kính để giảm chi phí.
Sau đó khi mà dòng máy ảnh có mức giá rẻ hơn cùng nhiều tính năng tốt hơn hẳn so với dòng máy phim, các nhiếp ảnh gia dần dần chuyển qua dòng máy số. Konica Minolta (sau này được Sony mua lại) là hãng máy ảnh đầu tiên trang bị cảm biến chống rung cho máy ảnh số. Lý do mà Konica hay các hãng máy ảnh khác trang bị hệ thống chống rung cho cảm biến của họ là do khi đó, hệ thống ống kính của Nikon và Canon đã dẫn đầu quá lâu rồi. Nếu nâng cấp hệ thống ống kính của mình để cạnh tranh sẽ cần một kinh phí khổng lồ nên cách nhanh và rẻ hơn chính là đưa hệ thống chống rung lên cảm biến. Bởi khi đó, khả năng chống rung có thể sử dụng trên tất cả các ống kính, kể cả các ống kính phim từ trước đó.
Hai hệ thống này hoạt động như thế nào?
Hệ thống chống rung trên ống kính sẽ làm các thấu kính bên trong ống kính di chuyển cùng với chuyển động của chủ thể giúp hình ảnh ổn định. Còn trong máy ảnh, hệ thống này sẽ di chuyển cảm biến của bạn để ổn định hình ảnh. Bạn có thể dễ dàng quan sát trong 2 video dưới đây.
Nguyên tắc làm việc của hệ thống chống rung trên ống kính
Sensor trên mirrorless di chuyển khi máy ảnh hay chủ thể chuyển động
Ưu điểm và nhược điểm của hệ thống chống rung trên ống kính
Các ống kính chống rung của Canon có ký hiệu là IS. (Ảnh: internet)
Ưu điểm
- Ổn định và nhiều tính năng: So với tính năng chống rung tích hợp trên cảm biến, việc sử dụng các ống kính chống rung có nhiều tính năng cùng hiệu quả cao hơn hẳn. Sử dụng các ống kính với kích thước, trọng lượng cùng tiêu cự khác nhau có thể giúp các nhiếp ảnh gia dễ dàng hơn trong sáng tác. Ví dụ, một số hệ thống chống rung có chế độ “Active” để người dùng sử dụng khi chụp các chủ thể nhanh như cano, ô tô, xe máy,… Ngày nay, hệ thống chống rung trên ống kính còn thông minh hơn khi có thể tự nhận diện chủ thể đó di chuyển nhanh hay chậm để chọn chế độ phù hợp. Đồng thời hệ thống cũng tự tắt tính năng chống rung khi sử dụng chân máy. Các tính năng này chắc chắn không thể trang bị trên các máy ảnh sử dụng cảm biến chống rung, trừ khi mỗi ống kính được lập trình riêng và đưa vào firmware của máy ảnh.
- Hiệu quả hơn trên các ống kính tele và super tele: đối với các ống kính có tiêu cự càng dài, mức độ di chuyển của cảm biến cần rộng hơn. Đây là điều không thể với các máy ảnh sử dụng cảm biến chống rung. Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ ràng khi so sánh tốc độ màn chập của ống kính Sony 500mm F4 với một ống kính 500mm của Canon hay Nikon được tích hợp khả năng chống rung.
- Sử dụng hiệu quả hơn trong điều kiện thiếu sáng: khi mà các ống kính đã giúp ảnh trở nên ổn định, cảm biến có thể cho khả năng tự động lấy nét chính xác hơn hẳn trong điều kiện thiếu sáng.
Các ống kính chống rung của Nikon có ký hiệu là VR. (Ảnh: internet)
Nhược điểm
- Giá thành cao: Bạn có thể dễ dàng thấy điều này khi so sánh giữa 2 ống kính được và không được trang bị khả năng chống rung.
- Không có trên tất cả các ống kính: Mặc dù Nikon và Canon vẫn đang cập nhật và nâng cấp hệ thống ống kính của họ, rất nhiều ống kính vẫn không được trang bị khả năng chống rung như một số ống kính prime (một tiêu cự) và một số ống kính siêu rộng. Có thể bạn thấy không cần thiết nhưng rất nhiều trường hợp sẽ rất hữu ích nếu tính năng chống rung được trang bị trên ống siêu rộng.
- Tính năng chống rung làm hỏng bokeh: bạn có thể bất ngờ với điều này. Đó là do khi ánh sáng được truyền qua các ống kính đang di chuyển để giúp hình ảnh ổn định, nó làm bokeh của bạn xấu hơn.
- Cần mua ống kính mới để sử dụng các tính năng mới: Khi Nikon ra mắt công nghệ chống rung của họ với tên gọi VR, bạn có thể thấy 2 dòng ống kính VR và VR II. Để có thể sử dụng công nghệ mới, cách duy nhất là mua ống kính mới và giá của VR II so với VR là khá cao.
- Tiếng ồn lớn: Khi mà các thấu kính di chuyển, nó sẽ tạo ra tiếng ồn lớn hơn hẳn. Điều này có thể ảnh hưởng xấu nhất là khi bạn quay các video bằng các ống kính này.
Ưu điểm và nhược điểm của hệ thống chống rung trên cảm biến
Hệ thống chống rung 5 trục của Sony. (Ảnh: internet)
Ưu điểm
- Có thể sử dụng với tất cả các ống kính: So với hệ thống chống rung trên ống kính, việc trang bị hệ thống chống rung trên cảm biến có thể giúp chúng ta sử dụng với tất cả các ống kính, kể cả các ống kính đời cũ hay ống kính của hãng thứ ba.
- Rẻ tiền: Bạn sẽ không phải tốn tiền nâng cấp hệ thống chống rung bởi khi đó máy ảnh có thể cập nhật firmware và điều chỉnh khả năng chống rung. Hơn nữa, khi công nghệ mới ra mắt, bạn chỉ cần nâng cấp máy ảnh chứ không cần nâng cấp hết hệ thống ống kính của mình.
- Ống kính rẻ hơn, nhẹ hơn, nhỏ hơn: Khi mà hệ thống chống rung không sử dụng bên trong ống kính, rõ ràng ống kính của bạn sẽ nhẹ hơn, nhỏ hơn và rẻ hơn hẳn.
- Chi phí sửa chữa rẻ hơn: khi không sử dụng hệ thống chống rung bên trong ống kính, chi phí để sửa chữa sẽ rẻ hơn hẳn.
- Không ảnh hưởng tới Bokeh: Như đã giải thích ở phần trước, ánh sáng sẽ đưa trực tiếp tới cảm biến và khi đó, hình dạng bokeh của bạn sẽ không bị ảnh hưởng.
- Hoạt động êm ái: Khi hệ thống chống rung không có trên ống kính, tiếng ồn duy nhất là từ motor lấy nét bên trong ống kính mà các motor này đều hoạt động cực kỳ êm ái.
Các ống kính tele và super tele không hoạt động hiệu quả trên hệ thống chống rung trong máy ảnh. (Ảnh: internet)
Nhược điểm:
- Khả năng đo sáng và tự động lấy nét kém hơn: khi mà hình ảnh chuyển đến sensor không ổn định và sensor buộc phải di chuyển thì rõ ràng khả năng đo sáng cũng như tự động bắt nét bị giảm khi sử dụng ở điều kiện thiếu sáng.
- Không hiệu quả với các ống kính tele và super tele: ống kính có tiêu cự càng dài thì khoảng cách mà sensor cần di chuyển càng lớn. Mà rõ ràng khoảng trống để cảm biến di chuyển bên trong là hạn chế thì việc các ống kính tele hay super tele kém hiệu quả hơn là điều rất dễ hiểu.
Tương lai của hệ thống chống rung
Sẽ rất khó để hai hệ thống này kết hợp làm một. (Ảnh: internet)
Rõ ràng mỗi hệ thống chống rung trên ống kính hay cảm biến lại có những ưu nhược điểm khác nhau. Và xem ra cách tốt nhất là kết hợp cả hai hệ thống này làm một. Nếu chụp động vật hay thể thao, bạn chỉ cần mua các ống kính chống rung chuyên dụng còn không, bạn chỉ cần mua các ống kính bình thường với mức giá rẻ hơn và có thể sử dụng chống rung với tất cả các ống kính.
Nhưng xem ra để Nikon và Canon kết hợp và tạo ra một dòng máy ảnh mới kết hợp rất khó xảy ra. Bởi khi họ đưa hệ thống chống rung lên cảm biến, người dùng chắc chắn sẽ chẳng còn thích thú với việc các ống kính prime và ống kính góc rộng được trang bị khả năng chống rung. Hơn nữa, với công nghệ và sự phát triển từ xa xưa của hệ thống chống rung trên ống kính, làm như vậy sẽ khiến doanh thu của ống kính bị giảm đáng kể. Cả Nikon và Canon đều biết họ sẽ thu lại lợi nhuận cao hơn khi ra mắt các ống kính chống rung thế hệ mới trong tương lai.
Việc sản xuất các ống kính chống rung trên dòng máy ảnh mirrorless xem ra lại đi ngược lại với truyền thống nhỏ, gọn của dòng máy này. Cũng tương tự như vậy khi cho phép cảm biến có thể di chuyển trong không gian rộng hơn, chắc chắn kích thước của máy ảnh mirrorless sẽ cần to hơn hẳn.
Nguồn: Tổng hợp
View more random threads:
Bảng giá Sika chống thấm từ Công ty TNHH xây dựng Thế Hưng. Thế Hưng tự hào là Tổng Đại lý phân phối sản phẩm Sika tại khu vực phía Nam và hiện là một trong số Tổng Đại lý lớn mạnh bậc nhất hệ thống...
Bảng giá sika chống thấm sân thượng mới nhất 2024