10 từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2015 của người Việt đã trở thành đề tài nóng bỏng và người Việt bị "ném đá" biến dạng thành "người Việt xấu xí". Tất cả những gì "cha chung không ai khóc" ngày nay rất dễ gặp nguy cơ bị "ném đá" và lọt vào tâm bão trên mạng xã hội. Nhưng khi đọc các status/comment "ném đá" 10 từ khóa kia, tôi lại chẳng thấy có câu nào khả dĩ có thể giúp nâng cao dân trí người Việt ta.



Từ khóa biết nói năng…

Tôi muốn hỏi thế và bạn đọc có thể tự chọn cho mình một phương án trả lời. Nhưng khi tôi đọc khắp lượt các status/comment chê bai "ném đá" 10 từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Google của người Việt năm 2015, tôi thấy hầu hết những người "ném đá" kia cho rằng từ khóa biết nói.

Từ khóa cũng biết nói năng… Đại loại như có người cho rằng: Nhìn vào Top Google Search là biết dân trí thế nào rồi; hay Việt Nam là thiên đường của giải trí và xứ sở hạnh phúc; hay 60% dân số Việt Nam là giới trẻ và nghe nhạc thất tình rất nhiều… Đúng là trong Top 10 từ khóa kia toàn là nhạc và phim, mà nhạc thì toàn những bài hát khó vô khó nhá đối với những ai tuổi sồn sồn trở lên. Nhưng bạn nên biết rằng, các đánh giá quốc tế lâu nay lại rất hay đề cao tỉ lệ "dân số vàng" của Việt Nam có 60-70% là dân số trẻ từ 40 tuổi trở xuống có thể làm được nhiều điều.

Tôi không muốn lại tiếp tục "ném đá bầy đàn" vào 10 từ khóa kia của giới trẻ Việt, cái tuổi mà đang lo ăn học và chơi nhiều hơn nghĩ đến làm và nâng cao thẩm mỹ hưởng thụ văn hóa. Chỉ lưu ý rằng, mỗi từ khóa như chúng ta vẫn thường nói là những con số biết nói, nhưng quan trọng hơn vẫn là cách đánh giá, nhìn nhận của xã hội.

Hãy nhìn vào Top 10 từ khóa của Hồng Kông. Một vùng đất có trình độ phát triển kinh tế và dân trí, xã hội hơn Việt Nam nhiều lần, nhưng top 10 từ khóa của họ cũng tràn ngập phim nhạc giải trí, tiêu dùng công nghệ. Top từ khóa, suy cho cùng nó phản ánh trước hết là sự quan tâm, những trào lưu chủ yếu được một giới hay một lớp người hiếu chuộng. Nhìn vào Top 10 từ khóa Việt năm 2015 có thể đoán được đến hơn 90% người tìm kiếm là những người trẻ, tuổi teen. Nhưng sự quan tâm của một giới, một lớp người đó không hẳn là sự quan tâm chung của xã hội, càng không thể khẳng định rằng qua đó phản ánh dân trí chung của xã hội được. Trong số các nước/lãnh thổ ở Châu Á được đưa ra so sánh như Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Thái lan… thì cũng hầu hết có trình độ phát triển kinh tế - xã hội hơn nước Việt, vậy thì dân trí của họ cao hơn Việt Nam cũng là chuyện bình thường.

Thẩm mỹ và một sự xô lệch

Nhìn vào tên các bài hát trong Top 10 từ khóa của Việt Nam nhiều người có thể nhận ra ngay rằng đó là những bài hát giọng điệu thất tình ướt át và sầu não. Nó chẳng những không nâng cao được xúc cảm thẩm mỹ gì cho người nghe mà còn nhấn chìm tuổi trẻ vào những bi sầu vô ích. Thị hiếu, sở thích, thẩm mỹ trong giải trí hay thưởng thức nghệ thuật của không ít bạn trẻ (chứ không toàn toàn bộ) chắc chắn là có vấn đề nhưng tình trạng này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác, giới trẻ của họ cũng có những thị hiếu, sở thích không khác gì nhiều.

Trào lưu hay thị hiếu ở Việt Nam trong nhiều trường hợp không phát sinh một cách tự nhiên từ giới trẻ mà bị tác động dữ dội của các chiến dịch truyền thông. Trước khi mỗi bộ phim, mỗi ca khúc hay MV của các ca sĩ trẻ được tung ra là cả một chiến dịch PR, truyền thông làm nhiễu giá trị thực và tài năng, nhưng lại dễ dàng đun sôi được những sở thích dễ dãi và hời hợt. Top 10 từ khóa phổ biến nhất năm 2015 của Việt Nam trên Google cũng đã phản ánh được phần nào sự xô lệch đó.

Nhìn từ góc độ của các doanh nghiệp phát triển internet và những người làm nội dung giải trí thì Top 10 từ khóa của Việt Nam năm 2015 trên Google lại là cơ hội lớn: Các hãng smartphone sẽ có thêm cuộc đua chọn Sơn Tùng MTP làm hình ảnh đại diện (năm qua nhờ thuê ca sĩ này mà OPPO thăng lên vùn vụt); các chiến dịch quảng bá sản phẩm đã có thêm nhiều bài hát sến sẩm nhưng đủ để làm quảng cáo hiệu quả; những nhạc sĩ thời vụ của chúng ta chỉ việc ngồi ôm sầu kỉ niệm viết ra những bài hát với những từ khóa như "anh em", "tình cũ", "buồn đau", "chờ đợi", "chia tay" sướt mướt... là đắt hàng.

Nhưng có một thống kê để còn được an ủi chăng, rằng giới trẻ cứ việc nghe các bài hát sến sẩm buồn ướt át nhưng vẫn cứ dùng internet ngày càng nhiều là cũng đã có công thúc đẩy kinh tế rồi: vì cứ mỗi 10% internet băng rộng di động tăng trưởng sẽ góp phần tăng 1% GDP, còn nếu đó là 10% tăng trưởng internet băng rộng thì sẽ góp phần tăng trưởng GDP lên đến 1,5%. Các tổ chức nghiên cứu của nước ngoài và quốc tế vào Việt Nam cũng chỉ quan tâm đến vấn đề này thôi chứ cũng chẳng đếm xỉa gì đến chuyện giới trẻ thích loại nhạc nào, thẩm mĩ ra sao… Vậy đi qui chụp thành vấn đề dân trí có phải là quá không?