Loại cảm biến kích thước chỉ bằng hạt gạo, có thể kết nối không dây và tan sau một khoảng thời gian nhất định hứa hẹn sẽ mở ra một phương pháp trị liệu hoàn toàn mới cho giới y học.



Kích thước của cảm biến vô cùng nhỏ, chỉ bằng phần đầu của bút chì.

Theo nhóm nghiên cứu, cảm biến này sẽ có nhiệm vụ theo dõi nhiệt độ não và áp lực bên trong hộp sọ. Khi hết nhiệm vụ, cảm biến có thể tự hòa tan và hấp thụ vào cơ thể một cách an toàn. Mặc dù đây là cảm biến được thiết kế dành riêng cho não bộ nhưng các nhà khoa học hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm những cảm biến giám sát dành riêng cho các bộ phận khác.

Theo CNN, cảm biến được phát triển bởi các nhà khoa học tại ĐH. Y khoa Washington kết hợp cùng với các kỹ sư tại ĐH. Illinois at Urbana-Champaign (UIUC). Không giống như các cảm biến khác cần phải gỡ bỏ sau khi hết nhiệm vụ, cảm biến này có thể giảm tối đa những nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng và phản ứng miễn dịch. Đặc biệt các bác sỹ sẽ không cần phải thực hiện các ca phẫu thuật để cắt bỏ.

Trong trường hợp xảy ra tổn thương não, các bác sỹ buộc phải xác định áp lực bên trong hộp sọ bằng các thiết bị lạc hậu từ những năm 1980. Đây là một vấn đề lớn bởi các thiết bị sử dụng dây khá nhiều và có kích thước lớn. Trong khi đó, cảm biến mới có thể cung cấp dữ liệu không dây và ít gây ra những chấn thương tâm lý hơn cho bệnh nhân.



Thử nghiệm trên não bộ của chuột.

Theo John Rogers, đồng tác giả nghiên cứu kiêm chuyên gia khoa học vật liệu và kỹ sư tại ĐH. UIUC cho biết: "Đây là một loại hình cấy ghép y sinh học điện tử mới. Các thiết bị có thể được điều chỉnh để thích nghi và cảm nhận dòng chất lỏng, sự chuyển động, độ pH hoặc các đặc tính nhiệt độ để tương thích với bụng, tứ chi hoặc não bộ".

Mô cấy cảm biến được làm từ vật liệu axit polylactic-go-glycolic và silicon. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm cảm biến trong phòng tắm nước muối và não của loài chuột bạch. Hiện các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch thử nghiệm trên bệnh nhân trong thời gian tới. Kinh phí cho dự án được cấp bởi Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng cao cấp (DARPA), Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) và Viện Y học Howard Hughes.