Một nghiên cứu do Burson-Marsteller cho thấy Facebook đang trở thành một kênh giao tiếp quan trọng giữa chính quyền với người dân.



Theo Venture Beat, một nghiên cứu mới được công ty truyền thông Burson-Marsteller (BM) công bố đã cho thấy 87% trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã có mặt trên mạng xã hội Facebook. Tổng cộng, BM đã nghiên cứu 512 trang Facebook chính thức của 169 chính phủ trên thế giới với tổng số lượt Like (thích) là 230,5 triệu lượt.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng tổng thống Obama là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên tham gia vào mạng xã hội của CEO Mark Zuckerberg. Chiến dịch tranh cử của ông đã có trang Facebook chính thức từ năm 2007, tức là khi Facebook mới tròn 2 tuổi.

Ông Barrack Obama cũng đang là nhà lãnh đạo được "Like" nhiều nhất trên thế giới với 46,4 triệu lượt Like trang hâm mộ, bỏ xa đối thủ ở vị trí thứ 2 là Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi với 31,7 triệu lượt Like. Cả 3 bài viết được yêu thích nhất do các nhà lãnh đạo đăng tải cũng thuộc về vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm: bài viết chúc mừng lễ Phục Sinh đứng đầu với 2,9 triệu lượt Like, bài viết đón chào ông Obama đến Ấn Độ của thủ tướng Modi xếp thứ 2, trong khi bức ảnh ông Barrack ôm phu nhân Michelle nhân dịp kỷ niệm ngày cưới xếp thứ 3.



Các nhà lãnh đạo được "Like" nhiều nhất trên toàn cầu.

Tại khu vực Châu Á, các trang thuộc về Ấn Độ cũng chiếm phần lớn các vị trí dẫn đầu về số lượt Like. 2 vị trí duy nhất trong top 5 không thuộc về đất nước đông dân thứ 2 thế giới này thuộc về Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Philippines Noynoy Aquino.



Các nhà lãnh đạo được "Like" nhiều nhất tại Châu Á.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra chính phủ các nước thường sử dụng trang hâm mộ của mình cho nhiều mục đích khác nhau, từ các thông cáo chính thức cho tới các cuộc thảo luận mang phong cách nghị sự.