Ai cũng biết, Johnny Trí Nguyễn trưởng thành từ đất Mỹ. Nhưng ít
người biết, dòng máu võ thuật của anh lại được hình thành, phát triển
từ chính bí quyết võ công của dòng họ Nguyễn Chánh mà anh là một
hậu duệ xuất sắc.

Không xuất hiện ồn ào, võ công của dòng họ Nguyễn Chánh được lưu truyền theo kiểu cha truyền con nối. Hiện ở Việt Nam, người lưu giữ những bí quyết võ công của gia tộc là NSƯT Nguyễn Chánh Tín.
Sự xuất hiện của ngôi sao võ thuật màn bạc Việt kiều Johnny Trí Nguyễn (tên thật Nguyễn Chánh Minh Trí) trong những năm gần đây đã mang đến một sức sống mới cho đời sống điện ảnh Việt. Với lợi thế ngoại hình và trình độ võ thuật siêu đẳng, Trí Nguyễn gần như không có đối thủ ở thể loại phim hành động võ thuật.
Không chỉ thủ vai chính rất thành công trong các bộ phim nổi đình nổi đám của hãng Chánh Phương, Trí Nguyễn còn giữ vai trò đạo diễn võ thuật cho nhiều bộ phim khác, mới đây nhất là bộ phim truyện nhựa “Khát vọng Thăng Long”.
Chúng tôi đã được NSƯT Nguyễn Chánh Tín cho tiếp cận gia phả của dòng họ mà anh là người thay mặt gia tộc đang giữ gìn. Trong các tài liệu do cụ Nguyễn Chánh Minh, thân phụ nghệ sĩ Chánh Tín và là ông nội của Johnny Trí Nguyễn để lại, có cuốn hồi ký viết tayNhật ký đời tôi. Cụ Nguyễn Chánh Minh đã kể lại con đường võ đạo của mình và những thăng trầm, biến cố trong cuộc đời.
Hổ phụ sinh hổ tử
Thân phụ của cụ Nguyễn Chánh Minh là cụ Nguyễn Chánh, một cao thủ võ lâm ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau dưới triều vua Tự Đức. Nguyễn Chánh đi theo các cao thủ võ lâm luyện võ từ nhỏ để diệt ác trừ tà, bảo vệ dân lành. Những trang gia phả chép tay của cụ Nguyễn Chánh Minh để lại kể rằng, cụ Nguyễn Chánh được triều đình biết đến sau khi một mình dùng giáo mác giết chết một con cọp hung hãn từ rừng U Minh về làng vồ cả chục mạng người.
Lần ấy cọp dữ lao vào một ngôi nhà sàn ở bìa rừng. Cô gái con ông bà chủ nhà cuống cuồng leo lên cầu thang nhà sàn lánh nạn nhưng bị vấp, ngã lộn nhào xuống đất. Đúng lúc con cọp vằn lao đến thì chàng tráng sĩ Nguyễn Chánh xuất hiện. Chàng hét lên nhằm để con cọp chọn mình làm con mồi, rồi lợi dụng chiếc cầu thang làm vật che đỡ để tránh những cú vồ của nó.


Vợ chồng cụ Nguyễn Chánh Minh (ảnh do NSƯT Nguyễn Chánh Tín cung cấp). Ngọn giáo trong tay chàng vung lên đâm mù hai mắt cọp rồi giết chết nó. Cảm phục tinh thần nghĩa hiệp và võ công siêu hạng của chàng thanh niên vùng sông nước, triều đình đã ban thưởng cho anh một chức quan nhỏ, lo giữ gìn trật tự trị an ở địa phương (tương đương như Trưởng Công an xã bây giờ). Thôn nữ xứ U Minh tên là Hai Lan được chàng cứu mạng nên đã theo chàng về nhà làm vợ. Ông bà Nguyễn Chánh – Hai Lan sinh ra Nguyễn Chánh Minh vào năm 1903.
Thời bấy giờ nạn cướp bóc, trấn lột, thanh trừng nhau giữa các băng nhóm giang hồ hảo hán xứ sông nước miệt vườn xảy ra liên miên. Vì tính tình ngay thẳng, cương trực, lại giỏi võ công nên Nguyễn Chánh trở thành “khắc tinh” của những kẻ bất lương. Tiếng tăm của ông khiến tất thảy hảo hán giang hồ trong vùng phải run sợ.
Do thường xuyên bị Nguyễn Chánh truy lùng, trấn áp, mất cơ hội làm ăn nên các đám giang hồ đã tập hợp nhau lại tìm cách trừ khử ông. Trong một lần đi công cán qua rừng U Minh, Nguyễn Chánh bị đám giang hồ phục kích bất ngờ, giết hại dã man khi tuổi đời còn khá trẻ.
Mang dòng máu nghĩa hiệp của thân phụ, Nguyễn Chánh Minh từ nhỏ đã đam mê võ công, được cha ngày đêm truyền cho những bí quyết võ nghệ. Khi trình độ võ công đã đạt mức căn bản cả về quyền pháp, cước pháp, thân pháp, nhãn pháp và tâm pháp, thì cha qua đời. Năm 13 tuổi, ý thức sâu sắc về cái chết oan uổng của cha, Nguyễn Chánh Minh quyết chí đi học võ, thề luyện thành cao thủ để trả thù cho cha.
Nguyễn Chánh Minh từ biệt mẹ, theo người thân ngược lên miền Thất Sơn – Chi Lăng (tỉnh An Giang ngày nay) gia nhập vào lò luyện võ trên núi của một cao thủ Thiếu Lâm Tự nổi tiếng. Sau 3 năm miệt mài luyện võ, Chánh Minh được sư phụ cho xuống núi. Anh trở về Cà Mau làm ăn bằng nghề chạy ghe buôn bán đường sông. Nguyễn Chánh Minh qua lại như con thoi trên các tuyến sông từ Cà Mau đi Bạc Liêu và ngược lên vùng Hà Tiên.
Trên những dặm thương hồ, Nguyễn Chánh Minh luôn luôn thể hiện chí khí con nhà võ, sẵn sàng ra tay bênh vực kẻ yếu, trừng trị gian tà. Vào khoảng năm 1926 – 1927, Nguyễn Chánh Minh tình cờ gặp được A Sủn, một võ tướng cận vệ của Tôn Trung Sơn. Sau khi Tôn Trung Sơn thất thế, các thuộc hạ của ông bị lực lượng đối nghịch truy sát gắt gao, A Sủn phải chạy sang Việt Nam tìm đến miệt vườn Nam Bộ ẩn náu, mưu sinh. Ông được Sáu Minh cưu mang, giúp đỡ.
Trong một lần đi cùng A Sủn trên một chiếc ghe qua sông mùa lũ, Nguyễn Chánh Minh sửng sốt nhận ra, A Sủn là một con người võ công hiếm có trong thiên hạ. Lần ấy, khi ghe của Chánh Minh đang chạy giữa dòng thì bất ngờ một trận bão nổi lên, một chiếc ghe chở 16 hành khách trên sông bị lật. A Sủn giục Nguyễn Chánh Minh lao ghe đến nơi những hành khách bị nạn. Môn đệ Thiếu Lâm Tự của lò luyện Thất Sơn – Chi Lăng tròn xoe mắt chứng kiến A Sủn vận nội công, chụp bàn tay vào những cái đầu đang trồi sụt trên mặt nước, lần lượt nhấc bổng từng người lên, cứu sống toàn bộ hành khách gặp nạn.
Sau bận ấy, nhiều hành khách đi trên chiếc ghe gặp nạn đã tìm đến tạ ơn, xin được bái ông làm sư phụ, song A Sủn đã khéo léo chối từ. Ông chỉ nhận có mỗi Nguyễn Chánh Minh làm đệ tử để truyền dạy bí quyết võ công. Sau hơn 2 năm dạy võ cho Nguyễn Chánh Minh, cả tay không và binh khí, cả giao đấu trên bờ và dưới nước, Chánh Minh đã lĩnh hội trọn vẹn tuyệt kỹ kungfu của sư phụ A Sủn. Hai thầy trò chia tay nhau. A Sủn theo một chiếc tàu buôn trở về Thượng Hải.
Sau khi chia tay sư phụ, Nguyễn Chánh Minh đã sáng lập ra môn phái võ công lấy tên là môn phái Trung Sơn, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những tinh tuý của võ gia truyền với môn phái Thiếu Lâm Tự và những tuyệt kỹ kungfu do sư phụ A Sủn truyền dạy.
Bài “sát hạch” đầu tiên của Nguyễn Chánh Minh là cuộc tỷ thí với băng nhóm giang hồ đường sông 27 tên ngay trên bến sông tại Bạc Liêu, do Ba Cổn cầm đầu. Đây là băng nhóm chuyên trấn lột khách thương hồ. Bất cứ ghe, tàu nào làm ăn buôn bán qua vùng này đều phải được “bảo kê” của tay chân Ba Cổn.
Nguyễn Chánh Minh là người duy nhất làm trái lệnh Ba Cổn nên bị tên này tập hợp đàn em đến đánh dằn mặt. Một mình Nguyễn Chánh Minh “tả xung hữu đột” giữa đám giang hồ. Anh sử dụng tuyệt chiêu “song xỉ” (dùng nẹp sắt gắn vào cánh tay và ống chân) để vô hiệu hóa những nhát chém chí mạng từ dao, mã tấu… của địch thủ rồi phản đòn. Đám giang hồ bị đánh tan tác.
Sau lần ấy, tên tuổi Chánh Minh nổi như cồn, trở thành hảo hán số một trong vùng. Ông đứng ra chiêu mộ các giang hồ hảo hán và thanh niên trong vùng huấn luyện võ nghệ, thành lập lực lượng kháng Pháp mang tên “Mặt trận Hà Tiên”, hoạt động dọc theo vùng sông nước từ Cà Mau, Bạc Liêu lên Hà Tiên, chuyên chặn đánh các tàu chở hàng và lương thực, vũ khí của quân đội Pháp chia cho dân nghèo.


Johnny Trí Nguyễn (trái) trong phim “Dòng máu anh hùng”. Vào những năm cuối của thập niên bốn mươi, “Mặt trận Hà Tiên” được Việt Minh vận động tham gia kháng Pháp và trở thành một bộ phận khăng khít của Việt Minh, tổ chức nhiều trận đánh chiếm đồn địch dành thắng lợi vang dội. Năm 1949, Nguyễn Chánh Minh bị thực dân Pháp bắt đem lên Sài Gòn giam giữ. Tại đây, Nguyễn Chánh Minh bị quân đội Pháp bắt làm huấn luyện viên võ thuật cho một sư đoàn. Ông miễn cưỡng chấp hành một thời gian rồi lấy lý do sức khoẻ yếu để thoái thác.
Trong thời kỳ làm huấn luyện viên võ thuật, ông đã nhiều lần thượng đài thi đấu với nhiều sĩ quan quân đội Pháp ở Sài Gòn và trở thành tay đấm bất khả chiến bại. Sau năm 1954, Nguyễn Chánh Minh đưa gia đình lên định cư ở Sài Gòn, mở võ đường dạy võ thuật.
Võ sư Nguyễn Chánh Minh nhanh chóng nổi tiếng trong giới võ sư, võ sinh thời bấy giờ. Được một thời gian, ông quyết định đóng cửa võ đường chuyển sang thành lập trung tâm huấn luyện lực sĩ. Cụ Nguyễn Chánh Minh qua đời năm 1968 sau một cú ngã định mệnh bị vỡ thận. Môn phái Trung Sơn từ đó chỉ được lưu truyền trong dòng tộc.
Sẽ có phim về nguyên mẫu Nguyễn Chánh Minh
Các con của vợ chồng ông Nguyễn Chánh Minh sau này nhiều người ra nước ngoài định cư, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Hậu duệ của gia tộc Nguyễn Chánh hiện có nhiều người theo nghiệp điện ảnh, võ thuật, trong đó nổi bật nhất là NSƯT Nguyễn Chánh Tín và hai người cháu ruột là Charlie Nguyễn (đạo diễn) và Johnny Trí Nguyễn (diễn viên – võ sĩ).
Không phải đến những bộ phim được ví là “bom tấn” của điện ảnh Việt những năm gần đây võ thuật của gia tộc Nguyễn Chánh mới được đưa lên màn bạc. Thập niên tám mươi, ở bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạngVán bài lật ngửa, khán giả đã mãn nhãn với những cảnh quay chiến đấu, võ thuật siêu đẳng. Người chỉ đạo võ thuật của phim này không ai khác chính là nam diễn viên thủ vai chính – Nguyễn Chánh Tín. Những tài liệu võ công của dòng họ được đóng thành tập từ mấy thập kỷ trước, nay vẫn được dùng làm tài liệu lưu truyền trong dòng họ.
Những bộ phim do hãng Chánh Phương sản xuất hoặc do hậu duệ của gia tộc Nguyễn Chánh làm đạo diễn võ thuật, mặc dù chưa thể so được với những bộ phim hành động của Hô-li-út hay Hồng Kông, nhưng đã phần nào khắc phục được những hạn chế cố hữu của điện ảnh Việt. Các cảnh đấu võ thật hơn, gần gũi với đời thực hơn. NSƯT Nguyễn Chánh Tín cho biết, những pha đánh cận chiến, tấn công, phản đòn từ nhiều hướng, đánh và hóa giải các loại binh khí… trong các phimDòng máu anh hùng,Bẫy rồng,Khát vọng Thăng Long… đều là những “đặc sản” của võ công gia tộc.
Mang trong mình dòng máu võ thuật, tiếp nối truyền thống của dòng họ, hiện Johnny Trí Nguyễn là người thành danh nhất trên con đường võ đạo của dòng họ Nguyễn Chánh. Những năm tháng ở Mỹ, Johnny Trí Nguyễn học thêm võ wushu và trở thành một võ sĩ có đẳng cấp, song trong con người anh, môn phái Trung Sơn vẫn làDòng máu anh hùngnhư tên gọi của một bộ phim do anh đạo diễn võ thuật và thủ vai chính. Đây cũng chính là nhân tố chính để Trí Nguyễn để lại dấu ấn với những vai diễn và chỉ đạo võ thuật ở những bộ phim hành động có yếu tố lịch sử.
Hậu duệ của gia tộc Nguyễn Chánh hiện nay, nhà nào cũng lập bàn thờ cụ Nguyễn Chánh, cụ tổ của môn phái và cụ Nguyễn Chánh Minh, người tiếp biến môn phái võ thuật Trung Sơn trong dòng họ.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín cho biết, hãng phim Chánh Phương đang lên kế hoạch sản xuất bộ phim tâm lý xã hội, hành động võ thuật lấy nguyên mẫu nhân vật là cụ Nguyễn Chánh Minh. Có đến 99,9% Johnny Trí Nguyễn sẽ đảm trách vai chính và làm đạo diễn võ thuật.
“Chúng tôi đã viết xong kịch bản nhưng chưa đưa vào sản xuất được. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chọn cảnh quay và đạo cụ. Chỉ riêng việc tái hiện những chiếc ghe, tàu từ đầu thế kỷ 20 ở vùng sông nước Cà Mau, Bạc Liêu cũng đã ngốn cả đống tiền”, NSƯT Nguyễn Chánh Tín chia sẻ.
theo baodatviet