Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt đã sáng tạo ra nhiều loại vũ khí, công trình quân sự có một không hai… khiến thế giới đầy ngưỡng mộ.


Được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN, Cổ Loa là tòa thành cổ có cấu trúc thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt. Thành được xây theo hình trôn ốc 9 vòng, chu vi lên tới 9 dặm. Ngoài mỗi vòng thành đều có hào nước thông với sông Hoàng Giang, trở thành hào nước tự nhiên rất lợi hại. Tướng Triệu Đà của phương Bắc đã nhiều lần đánh Cổ Loa nhưng đều thất bại. Cuối cùng, Cổ Loa đã sụp đổ vì kế phản gián thâm độc của Triệu Đà.​

Vào thời Âu Lạc, tướng quân Cao Lỗ đã sáng chế ra một loại vũ khí cực kỳ lợi hại là nỏ Liên châu, loại nỏ có khả năng bắn ra nhiều mũi tên liên tiếp. Loại nỏ này đã được thần thánh hóa với truyền thuyết thần Kim Quy đưa cho An Dương Vương một chiếc móng của mình để làm lẫy nỏ. Bởi vậy, dân gian thường gọi đây là nỏ thần. Khi xâm lược Âu Lạc, quân Triệu Đà đã hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi các trận “mưa tên” từ nỏ Liên Châu và phải lui binh.​

Gắn với các chiến thắng huyền thoại trên sông Bạch Đằng, các bãi cọc gỗ đã trở thành thứ vũ khí huyền thoại của người Việt. Lần đầu tiên, những chiếc cọc gỗ chôn vùi quân xâm lược là vào năm 938, khi vua Nam Hán phái thủy quân tràn vào nước ta qua ngả sông Bạch Đằng. Lần thứ 2 là vào năm 1288, khi danh tướng Trần Hưng Đạo áp dụng trận địa cọc ngầm của Ngô Quyền 350 năm trước để đại phá đạo thủy binh hùng mạnh của quân Nguyên.​

<div style="text-align: center">Thần cơ sang pháo là phát minh lớn về vũ khí của thời nhà Hồ, cũng như của toàn lịch sử dân tộc. Đây là thành quả sáng tạo của nhà sáng chế lỗi lạc Hồ Nguyên Trừng. Đây được coi là kiểu đại bác đầu tiên ở nước ta, sử dụng đạn đúc bằng chì, gang hoặc đá, có sức công phá rất cao. Sau khi nhà Hồ thua trận trước quân Minh, vua nhà Minh đã bắt Hồ Nguyên Trừng về dạy cách chế súng thần cơ để trang bị cho quân đội của mình.​
</div>

Bên cạnh thần cơ sang pháo, Hồ Nguyên Trừng cũng chế tạo ra thuyền Cổ lâu – một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo. Đáy thuyền được làm thêm một “đáy” nữa, chia bụng thuyền làm hai phần: phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Cổ lâu thuyền vừa được dùng để tải lương, vừa sẵn sàng chiến đấu khi được trang bị súng Thần cơ đầy uy lực.​

Người Việt sử dụng voi trong các cuộc chiến từ rất sớm, nhưng phải đến thời Tây Sơn, thứ vũ khí đặc biệt này mới đạt đến đỉnh cao. Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã biến voi thành lực lượng hỏa lực cơ động, mang theo đại bác và hỏa pháo trên lưng, thực hiện nhiệm vụ của một phương tiện đột kích đáng sợ. Lực lượng này đã góp công lớn trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa đánh bại quân Thanh năm 1789.​

<div style="text-align: center">Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ Bắc vào Nam của lực lượng Giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quân Mỹ - Sài Gòn đã đánh phá bằng nhiều chiến dịch bộ binh, không quân và rải chất độc màu da cam để làm trụi lá cây, dùng chiến tranh hóa học tạo mưa và bùn để phá đường, nhưng không thể nào cắt đứt huyết mạch giao thông này. Tuyến đường huyền thoại đã góp một vai trò rất quan trọng cho thắng lợi của nhân dân VN.​
</div>

<div style="text-align: center">Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất, được các chiến sĩ giải phóng xây dựng tại điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Toàn hệ thống địa đạo có chiều dài 200km với 3 tầng sâu khác nhau, chiều sâu từ 3m đến 12m, gồm nhiều phòng chức năng để đảm bảo mọi hoạt động sống trong lòng đất. Bên trên địa đạo là rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... Quân đội Mỹ - Sài Gòn đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo, nhưng không đạt được bất cứ thành công nào.​
</div>

Trước sự đe dọa của chiến thuyền phương Tây, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã cho đóng những chiến hạm Định Quốc có sức mạnh tương đương dựa trên sự kết hợp kỹ thuật phương Tây và tay nghề của thợ đóng thuyền Đàng Trong. Đây thực sự là những pháo đài di động trên biển với khả năng chở voi chiến và trang bị 50 - 60 khẩu đại bác hạng nặng. Vào thời điểm cao trào, thủy quân Tây Sơn có gần 20 “pháo đài” như vậy.​

Theo soha.vn