"Sau rặng cây, mặt trăng tròn đang dần lên cao với một sắc thái khác thường, thay cho màu vàng óng ả của mọi lần là cái màu tai tái nhợt nhạt như báo hiệu một điều gì rất kì lạ sắp sảy ra .
Rồi đột nhiên quả bóng trăng tối sầm ở một góc, phần tối này càng lúc càng lan ra nhanh như cơn dịch bệnh đang gặm nhấm ánh sáng của mặt trăng. Vầng sáng cứ thu hẹp dần... cho đến khi ánh sáng tắt hẳn. Thế rồi cũng nhanh như nó mất đi, mặt trăng lại hiện ra với màu đỏ như máu, thật quá đỗi kì lạ..." ( Nguyễn Tuấn)
Như phim kinh dị

Đoạn văn trên được trích trong một tác phẩm kinh dị chăng? Không, đó sẽ là quang cảnh mà bạn và tôi nếu may mắn có thể thấy được vào đêm 10/12 này, khi màn đêm vừa buông xuống. Đừng ngạc nhiên, thậm chí đừng hoảng loạn, chúng ta đang được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hiện tượng Nguyệt Thực toàn phần vào đêm đó.
Ảnh nguyệt thực chụp vào ngày 16/6/2011 (HAAC)​
Đêm 10/12/2011 có Nguyệt thực toàn phần

Vào đêm ngày thứ 7, 10/12/2012 này, người dân Việt nam cùng cư dân của một số vùng trên Thế giới sẽ có cơ hội quan sát được hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng trong khoảng thời gian 51 phút, và lấy đi cái màu vàng thường lệ của Mặt Trăng thay vào đó là màu đỏ đen hoặc đỏ đồng tùy theo điều kiện thời tiết.
Những nơi sẽ quan sát được nguyệt thực bao gồm Alaska (Mỹ), bắc Canada, và Đông Á và Trung Á, Australia, New Zealand. Vùng quan sát tốt nhất là Trung và Đông Á, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Vùng quan sát được nguyệt thực toàn phần 10/12/2011​
Tại Việt Nam, theo các tính toán của NASA: Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu từ lúc 18h33' khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất, nhưng Nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì trăng chỉ có màu vàng hơi tái hơn so với bình thường. Thời điểm mà chúng ta nên bắt đầu quan sát là 19h45', Mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của Trái đất bắt đầu giai đoạn nguyệt thực 1 phần, màu sắc của vùng bóng trái đất in trên mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần.
Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu vào lúc 21h06’ Toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 21h33' cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ sậm nhất.
Chúng ta sẽ tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 21h57'. Sau đó trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, phần ra khỏi sẽ có sắc vàng dần trở lại. Trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn và kết thúc nguyệt thực một phần vào lúc 23h18'.

Flash mô phỏng thời gian diễn biến và sắc thái của Mặt Trăng khi diễn ra nguyệt thực vào ngày 10/12 này
Click vào để download hoặc xem flash với kích thước lớn:http://thienvanhoc.org/mophong/nguyetthuc10_12_2011.swf
Đừng bỏ lỡ hiện tượng thiên văn đặc biệt này

Năm nay khá đặc biệt vì có đến 2 lần nguyệt thực toàn phần quan sát được ở Việt Nam. Lần trước là vào rạng sáng ngày 16/6/2011, và là một trong những nguyệt thực toàn phần dài kỉ lục của thế kỉ 21. Lần nguyệt thực vào đêm 10/12/2011 này, tuy chỉ kéo dài có 51 phút như lại rất thuận lợi cho quan sát vì diễn ra trước lúc nửa đêm. Càng đặc biệt hơn khi chúng ta biết rằng phải 3 năm sau nữa, mãi đến năm 2014 nguyệt thực toàn phần mới xuất hiện trở lại. Với những lý do đó chúng ta hãy đánh dấu đỏ trên quyển lịch cho ngày 10/12 này.
Khi quan sát nguyệt thực, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào. Tuy nhiên quan sát nguyệt thực sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ, để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của Mặt Trăng.
Mặt Trăng "Máu"
Khi nguyệt thực toàn phần diễn ra Mặt trăng đôi lúc sẽ có màu đỏ như máu, điều đó khiến cho Nguyệt thực mang sắc thái rất huyền bí ở một số nền văn hóa. Theo dân gian Việt Nam ngày xưa, nguyệt thực còn gọi là hiện tượng “gấu ăn trăng”, Mặt trăng đang bị một con gấu khổng lồ đang nuốt mất. Mọi người phải khua chiêng đánh trống làm huyên náo để đuổi con gấu đi trả lại ánh trăng sáng của đêm rằm.
Ngày nay chúng ta đều biết Nguyệt thực là chỉ là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt, và có thể tính toán từ trước dựa theo chu kì chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng.
Theo một câu chuyện lịch sử, chính vì nhờ có cuốn lịch thiên văn luôn mang theo mình mà vào năm xưa, ngày 29/2 năm 1504, nhà thám hiểm vĩ đại Christ Columbus đã lợi dụng hiện tượng nguyệt thực để cứu đoàn thám hiểm của ông khỏi sự bao vây của những thổ dân da đỏ.
Khi nguyệt thực diễn ra, mặt trăng bị nuốt chửng bởi một màu đỏ kì quái, người da đỏ đã vô cùng hoảng loạn. Christ Columbus lừa họ rằng đó là dấu hiệu giận dữ của Chúa do người da đỏ đã đối xử không tốt với đoàn của ông. Nhà thám hiểm vĩ đại tuyên bố là với quyền năng của mình ông có thể xin Chúa rủ lòng thương, và tự giam mình vào phòng tối trong khoảng 50 phút để nói “chuyện riêng” với Chúa. Kì thực, “quyền năng” của ông chỉ là một chiếc đồng hồ cát để đo thời gian diễn ra nguyệt thực đã được tính toán trong quyển lịch thiên văn. Ngay khi nguyệt thực sắp sửa kết thúc Columbus bước ra khỏi căn phòng và tuyên bố Chúa đã tha thứ và kì diệu thay, gần như ngay lập tức Mặt trăng sáng tỏ trở lại. Người da đỏ sau đó đã thần phục Columbus và đổi xử tốt với đoàn thám hiểm của ông.
Những thổ dân da đỏ ở Jamaica đang cầu xin Chiristopher Columbus (1451-1506) hãy trả lại Mặt trăng cho họ (Image by Frederic Lewis/Getty)​
Vậy tại sao Mặt trăng lại chuyển sang màu ửng đỏ mà không phải là tối đen khi nguyệt thực toàn phần?
Điều này được giải thích vì ngay cả khi Trái đất chặn các tia từ Mặt trời, thì ánh sáng Mặt trời vẫn rẽ ra xung quanh rìa của Trái đất, và ánh sáng này được phản chiếu lên trên Mặt trăng.
Ánh sáng từ Mặt Trời có thành phần bao gồm đủ các màu với các bước sóng khác nhau. Khi ánh sáng Mặt trời đi xuyên qua lớp khí quyển Trái Đất, do hiện tượng tán xạ các bước sóng ngắn như màu xanh, tím .. sẽ bị khí quyển hấp thụ gần như hoàn toàn, chỉ còn ánh sáng có màu về phía đỏ, có bước sóng ánh sáng dài là có khả năng xuyên qua bầu khí quyển nhiều nhất. Đồng thời bầu khí quyển Trái Đất như là một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính của vùng bóng tối và ánh sáng này đã chiếu rọi Mặt Trăng khi nó đi qua vùng này. Do đó ta thấy Mặt Trăng có màu đỏ khi diễn ra Nguyệt thực.
Mặt trăng sẽ thay đổi những sắc thái khác nhau trong suốt các giai đoạn diễn ra của Nguyệt thực, bắt đầu từ màu xám đen tới màu đỏ đồng có thể cả màu hổ phách. Độ rực rỡ của màu đỏ này có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi mật độ bụi, và hơi nước của bầu khi quyển Trái Đất vào thời điểm diễn ra Nguyệt Thực.
Để hiểu rõ hơn về hiện tượng Nguyệt Thực, mời bạn đọc xem thêm bài viết Các kiến thức về Nguyệt thực
Nguyễn Tuấn (HAAC)
Tài liệu tham khảo: NASA, Space.com, các bài viết trên trang thienvanhoc.org
CLIP Hướng dẫn quan sát Nguyệt Thực