Trước hết, đại tuyệt chủng là gì? Chúng ta có thể định nghĩa một thời kỳ Đại tuyệt chủng là khi có đến hơn 75% tổng số các loài trên hành tinh bị tuyệt chủng chỉ trong vòng khoảng 2 triệu năm (Mặc dù khoảng thời gian này là rất dài so với chúng ta nhưng chỉ như một chớp mắt đối với khoảng thời gian trong địa chất học).

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm họa này như những bệnh dịch tàn khốc, thay đổi về khí hậu…và đôi khi, Đại tuyệt chủng xuất phát từ những nguyên nhân khá giống với những câu chuyện, bộ phim kinh dị khi một loài vật xâm chiếm Trái Đất và hủy diệt các loài sinh vật khác. Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, theo các nhà nghiên cứu, trong vòng 540 triệu năm qua, trên hành tinh của chúng ta đã xảy ra đến 5 vụ Đại tuyệt chủng.

Chính vào thời điểm hiện tại, nhiều nhà khoa học tin rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ Đại tuyệt chủng lần thứ 6. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nói về những dấu hiệu của thảm họa Đại tuyệt chủng đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

1. Những ngọn núi lửa

Hãy lấy ví dụ bằng Công viên Yellowstone ở Mỹ. Nơi đây vốn là một lòng chảo núi lửa, khu vực này như một cái nắp mỏng manh bằng đất ở bên trên. Vấn đề lớn mà chúng ta đang gặp phải là việc lòng chảo này đang ngày càng được nâng cao hơn do áp lực từ bên dưới và hiện tượng này chính là một dấu hiệu cho thấy một trận phun trào nùi của Yellowstone có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Theo các nhà nghiên cứu đánh giá, sức mạnh của trận phun trào tại Yellowstone (Nếu thực sự xảy ra) sẽ mạnh ngang với trận phun trào khủng khiếp từng xảy ra 250 triệu năm trước tại Siberia. Trận phun trào 250 triệu năm trước đã kéo dài hàng ngàn năm, thải vào bầu khí quyển hàng tỉ tấn sufur, carbon và các loại khí nhà kính khác và đã thay đổi toàn bộ khí hậu Trái Đất vào thời điểm đó. Sự kiện này đã gây ra sự tuyệt chủng của 95% các loài sinh vật từng tồn tại. Và nếu như Yellowstone phun trào, chúng ta sẽ gánh chịu số phận như những gì các loài sinh vật của 250 triệu năm trước từng trải qua.

2. Các loài sinh vật xâm chiếm cả địa cầu

Như đã định nghĩa ở trên, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù cuộc sống xung quanh ta không hề bị đảo lộn nhưng tính trên phạm vi toàn cầu thì Trái Đất đang có thể xảy ra một cuộc Đại tuyệt chủng. Việc các loài sinh vật lấn át các loài sinh vật khác có thể dẫn tới mất cân bằng tự nhiên một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể các loài sinh vật.

359 triệu năm trước đây, loài cá mập vào thời điểm bấy giờ đã xâm chiếm toàn bộ các đại dương, ăn thịt bất cứ loài sinh vật nào chúng có thể kiếm được. Điều này đã khiến rất nhiều loài bị sụt giảm nhanh chóng về số lượng và dẫn đến tuyệt chủng. Một số loài khác do mất đi nguồn thức ăn vốn có cũng dần dần biến mất. Thời điểm 359 triệu năm trước đây, loài cá mập là nguyên nhân của một cuộc Đại tuyệt chủng và khiến 75% các loài sinh vật từng tồn tại biến mất.

Và ngày nay, với dân số hơn 7 tỉ, con người đang dần lấn chiếm tự nhiên, gây ra sự tuyệt chủng của rất nhiều loài. Ngoài ra, trên đường đi của mình, loài người đã khiến rất nhiều loài sinh vật ngoại lai xâm nhập vào một môi trường mới và làm ảnh hưởng đến quần xã sinh vật vốn có tại một địa điểm. Chính bản thân con người là một loài sinh vật đang xâm chiếm dần Trái Đất và đẩy các loài sinh vật khác đến mức biến mất hoàn toàn. Kinh khủng hơn cả kiến, gián hay chuột, con người chúng ta chính là loài sinh vật ngoại lai kinh khủng nhất từng tồn tại trên Trái Đất.

3. Biến đổi khí hậu

Băng ở Bắc Cực đang tan. Nhiệt độ Trái Đất đang tăng dần…Các nhà khoa học có thể nêu ra rất nhiều bằng chứng về việc khí hậu Trái Đất đang ngày một xấu đi. Một thông tin vừa tốt về việc biến đổi khí hậu đó là con người không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc khí hậu Trái Đất thay đổi. Trên thực tế, trước đây, đã có rất nhiều thời kỳ mà khí hậu Trái Đất đột nhiên thay đổi.

Tuy nhiên, tin xấu đó là mỗi lần khí hậu Trái Đất bị thay đổi là một lần đánh dấu của một lần Đại tuyệt chủng. Thiên thạch khổng lồ không phải là nguyên nhân khiến cho loài khủng long bị tuyệt chủng. Chính đất, bụi, các chất khí bị hất tung lên bầu khí quyển khiến Trái Đất rơi vào kỷ băng hà và nối tiếp ngay sau đó là hiệu ứng khí nhà kính vào thời điểm đó đã khiến cho loài khủng long bị tuyệt chủng.

4. Sự acid hóa ở các đại dương

Sự acid hóa đang xảy ra tại các đại dương của Trái Đất. Nồng độ acid trong nước biển tăng cao là nguyên nhân khiến cho các dải san hô ngày càng bị thu hẹp và điều này chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ tới các loài sinh vật biển.

200 triệu năm trước đây, sự acid hóa tại các đại dương đã khiến cho 80% các loài sinh vật (Chủ yếu là sinh vật biển) bị tuyệt chủng. Khi nồng độ acid trong nước tăng cao, lượng calcium trong nước biển sẽ giảm. Sự sụt giảm lượng calcium trong nước biển khiến các loài giáp xác không thể tạo thành vỏ và chết dần. Hậu quả sẽ là ngay cả các loài sinh vật khác cũng sẽ bị tuyệt chủng sau khi nguồn thức ăn bị cạn kiệt. Và cuối cùng, càng nhiều sinh vật chết trong đại dương, lượng acid trong nước biển lại càng tăng cao khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

5. Các loài sinh vật đang dần biến mất

Một số loài Megafauna từng tồn tại trên Trái Đất tại Australia.​
Ngay cả khi chưa tồn tại dấu hiệu của những thảm họa vừa được kể đến ở trên, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng các loài sinh vật đang dần dần biến mất khỏi Trái Đất. Mặc dù có thể nói con người là nguyên nhân rất lớn dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài, tuy nhiên, các nhà thống kê đã tìm ra quy luật của sự tuyệt chủng, họ cho rằng dù có hay không có bàn tay của con người, vẫn sẽ có những loài sinh vật đột ngột biến mất hoàn toàn. Sau khi tính toán lượng các loài đã tuyệt chủng trong vòng 500 năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù tỉ lệ sụt giảm của các loài vẫn còn khá xa so với mức được gọi là Đại tuyệt chủng nhưng con số này đang ngày một tăng cao và có thể thời đại mà chúng ta đang sống, con số này sẽ đạt đỉnh điểm và trở thành một trận Đại tuyệt chủng thực sự.

Ngày nay, các loài động vật lớn ăn cỏ (Được gọi chung là Megafauna) như voi răng mấu, những con wallaby hay loài lười khổng lồ đã hoàn toàn biến mất. Toàn bộ những loài vật được xếp vào loại Megafauna giờ đây chỉ còn là hóa thạch. Và ngay cả những loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái,…đang nhanh chóng biến mất.

Những sự thay đổi nhỏ trong tự nhiên đã gây ra cuộc Đại tuyệt chủng vào kỷ Devonian. Và chắc chắn, những gì đang xảy ra trong tự nhiên ngày nay sẽ khiến Trái Đất biến đổi một cách không tốt đẹp gì hơn sự kiện từng xảy ra 359 triệu năm trước đây.

Tham khảo: io9