- Bidoup - Núi Bà (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) được ví như nóc nhà của Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Vườn quốc gia đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam này ẩn giấu nhiều sự sống sót kỳ diệu của những loài đại thụ hàng ngàn năm tuổi cực kỳ quý hiếm như pơ mu, thông đỏ, sồi 3 cạnh, thông 5 lá, thông 2 lá dẹt...
Thông cổ thụ.
Hai loài thực vật sinh cùng thời với khủng long?
Chiếc Toyota 2 cầu cứ chòng chành trên mặt đường nhão nhoét, trơn nhẫy suốt mười mấy cây số. Rời xe, chúng tôi lội bộ 6km đường rừng đầy muỗi, vắt, rắn, rết… Đường lên khu vực Cổng trời còn có những con dốc cao ngửi gót (chân người trước gần chạm mũi người sau).
Mặt mũi bơ phờ, chân tay rã rời. “Thông 2 lá dẹt kia rồi!” - anh Thanh (nguyên cán bộ lâm nghiệp địa phương) reo lên khi đoàn leo đến độ cao khoảng 1.460m. Theo hướng tay, chúng tôi nhìn thấy những tán lá hình quạt khá đẹp chiếm lĩnh tầng tán trội của cánh rừng phía xa xa trên núi Cổng trời. “Đặc điểm dễ nhận biết nhất của loài cổ thụ này là cao lớn nhất khu rừng”- anh Thanh nói.
Niềm vui khiến 3 km đường trơn trượt còn lại dễ dàng hơn. Những cây thông 2 lá dẹt đầu tiên với đường kính hơn 1m, cao chừng 30m hiện ra trước mắt.
Cả đoàn ồ lên vui sướng. Anh Thanh cho biết vẫn còn một số cây khủng hơn với đường kính 3- 4m, cao 40 - 50m. Vòng đời của chúng đã lên đến hàng nghìn năm bởi đường kính khoảng 1m tương ứng thời gian sinh trưởng 500 năm.
Được phát hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX bởi nhà thực vật học người Đức M.Krempfii; đến năm 1921, nhà khoa học người Pháp H. Lecomte công bố đây là loài thông đặc hữu của Việt Nam và đặt tên là Pinus Krempfii.
Đây là loài thông duy nhất ở Bắc bán cầu có lá dẹt hình lưỡi kiếm thay vì lá nhọn như mọi loài thông khác.
Trên đường di chuyển về phía nam, Pinus Krempfii phải dừng lại ở rừng mưa nóng ẩm của Lâm Đồng chứ không thể tiến xa hơn. “Tôi muốn sang ngay Việt Nam, sờ tay lên cây Pinus Krempfii rồi chết cũng mãn nguyện” - Viện sĩ A.Tastagsceh (Viện hàn lâm Liên Xô) từng nói khi hay tin.
Thông 2 lá dẹt thu hút sự chú ý đặc biệt của giới khoa học suốt nhiều thập kỷ sau đó với những cuộc tranh cãi gay gắt về giống, loài.
Nhà thực vật học người Pháp O.Chevaliet và hai nhà khoa học người Mỹ là Litenle và Krisphind cho rằng đó không phải là Pinus mà là giống Ducanpopinus - hóa thạch sống của một loài thực vật cổ sinh cùng thời khủng long: Các loài cây thường phát triển, tiến hóa theo thời gian, riêng với Ducanpopinus Krempfii mặc dù đã tồn tại hàng triệu năm nhưng không có biến đổi đáng kể nào về gene.
Khu vực đèo Hòn Giao ở độ cao trên 1.450m thuộc các tiểu khu 90 - 91 Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là nơi ẩn mình của một loài hóa thạch sống hiếm hoi khác mà người phát hiện là Thạc sĩ Lương Văn Dũng - Phó khoa Sinh học Đại học Đà Lạt.
Ông cho biết trước đó đã đôi lần nhìn thấy quần thể cây lạ với khoảng 20 cá thể (chiều cao trung bình 20m, đường kính thân cây từ 60 - 70cm) ở Hòn Giao nhưng không nhận ra đó là cây gì. Đến năm 2007, may mắn nhìn thấy những chùm hoa trên cây, ông nghĩ đó là loài mới thuộc họ Dẻ.
Mang một số tiêu bản về phân tích trong phòng thí nghiệm rồi so sánh với một số tài liệu nước ngoài, ông sửng sốt nhận ra đó là loài thực vật cổ xưa cực kỳ hiếm- sồi ba cạnh - thuộc chi Trigonobalanus (chi thực vật có mức độ tiến hóa thấp nhất trong các chi của họ Dẻ).
Sồi ba cạnh có những đặc điểm bên ngoài rất khác các loài cây cùng họ: Lá mọc vòng như cây trúc đào, trong khi tất cả các loài dẻ khác lá đều mọc cách (so le). Quả dẻ có 2 phần gồm quả và đấu. Phần đấu của tất cả các loại dẻ thông trường có hình dáng như đấu đong gạo, riêng đấu của sồi ba cạnh không rõ ràng, bị xẻ thùy rất nhiều nên kém tiến hóa.
Sồi ba cạnh chỉ phát hiện được ở Indonesia, Malaysia và gần đây nhất là ở Việt Nam. Các nhà khoa học đang giải mã tìm mối liên kết mang tính khu vực giữa ba nước về sự phân bố của loài này. Cùng với thông 2 lá dẹt, sự sống sót kỳ diệu của sồi ba cạnh từ thuở xa xưa đến tận ngày nay vẫn còn là điều bí ẩn.
Nhà thông thái pơ mu

Quả sồi ba cạnh.
Bidoup là ngọn núi cao nhất Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà và là một trong ba ngọn núi cao nhất Tây Nguyên. Với độ cao trên mây (2.287m), Bidoup là thách thức lớn với người chinh phục, đặc biệt vào mùa mưa. Bởi đường dốc ngược, hẹp, không ít con dốc cao 40 - 50 độ.
Sau gần một ngày leo núi, chúng tôi lặng người trước cây pơ mu cổ thụ hơn 1.300 tuổi mà các nhà khoa học Đại học Columbia Hoa Kỳ công nhận là di sản. Cây cao hơn 40m, đường kính trên 4m nên 7-8 người ôm không xuể.

Lan rừng Bidoup - Núi Ba.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết cây pơ mu (Fokienia hodginsii) thuộc họ hoàng đàn (Cupressaceae) xuất hiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trong đó rừng Bidoup - Núi Bà có nhiều cây cổ nhất với chiều cao hơn 30m, đường kính khoảng 2m.
Từ pơ mu, các nhà khoa học còn làm được điều đáng kinh ngạc là giải mã một số biến cố gây ra bởi sự thay đổi khí hậu trong quá khứ.
Trong rừng ôn đới, các vòng trên thân của nhiều loại cây thân gỗ lâu năm phát triển theo mùa (mỗi chu kỳ một năm gồm màu nhạt là thời gian mọc nhanh lúc mưa nhiều và màu đậm hơn là giai đoạn phát triển chậm trong mùa khô), nhờ đó các nhà khoa học có thể đọc độ dày của các vòng trên thân cây để biết tình trạng khí hậu trong quá khứ. Còn ở rừng thường xanh miền nhiệt đới, các vòng trên thân cây hiếm khi thể hiện rõ điều đó, trừ cây teak và pơ mu.

Phong lan trên cây cổ thụ.
Những năm gần đây, chuyên viên của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã dùng máy khoan tay nhỏ vặn đục vào thân của 36 cây pơ mu để lấy hơn 100 mẫu ruột. Các mẫu này được nhà khoa học Brendan Buckley đưa vào phân tích tại Phòng thí nghiệm Vòng cây của Lamont-Doherty Earth Observatory (Mỹ).
Kết quả, mẫu được đánh dấu số 12 (trong số 36 cây) cho thấy lão pơ mu đã thọ 980 tuổi. Từ các vòng trên thân cây pơ mu này cùng với kết quả nghiên cứu trước đây ở Thái Lan, nhóm nghiên cứu của ông Buckley đã tái tạo thời tiết gió mùa của hơn 700 năm qua ở lục địa Á châu, trong đó có vài thời kỳ hạn hạn lớn ở Đông Nam Á: Khoảng cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15.
Từ kết quả nghiên cứu nói trên và nghiên cứu về hệ thống thủy lợi, môi trường xung quanh quần thể Angkor của nhóm các nhà sử học và khảo cổ học thuộc chương trình Angkor rộng lớn, các nhà khoa học giả thuyết phải chăng nạn hạn hán và môi trường thủy lợi là nguyên nhân chủ yếu làm cho nền văn minh Khmer (chủ yếu dựa vào hồ chứa, kênh đào để phát triển trồng lúa) ở Angkor bị sụp đổ vào đầu thế kỷ 15?




“Tôi muốn sang ngay Việt Nam, sờ tay lên cây Pinus Krempfii rồi chết cũng mãn nguyện”.

Viện sĩ A.Tastagsceh



Theo TPO