Người dùng Linux có thể sử dụng LibreOffice, Google Docs và thậm chí cả Office Web Apps của Microsoft nữa. Ngoài ra, còn có nhiều cách để họ chạy phiên bản desktop của Microsoft Office trên Linux.

Điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn vẫn còn chạy Windows XP - hệ điều hành sẽ sớm không được hỗ trợ nữa - và không muốn trả một khoản phí để nâng cấp máy tính lên Windows 7 hoặc 8. Dù không được Microsoft hỗ trợ nhưng nó vẫn hoạt động khá tốt.

1. Các cách để cài đặt Microsoft Office

Có nhiều cách khác nhau để cài đặt Microsoft Office trong Linux:

- Wine: là lớp tương thích Windows, cho phép chạy các chương trình Windows trên Linux. Nó không hoàn hảo, nhưng được tối ưu đủ để chạy tốt các chương trình phổ biến như Microsoft Office. Wine sẽ làm việc tốt hơn với các phiên bản Office cũ, vì vậy phiên bản Office của bạn càng cũ thì nhiều khả năng nó làm việc với Wine mà không có bất kỳ rắc rối nào. Wine hoàn toàn miễn phí nhưng bạn sẽ phải tự mình thực hiện một số điều chỉnh.

- CrossOver: là sản phẩm phải trả tiền, có sử dụng mã từ phiên bản miễn phí của Wine. CrossOver làm nhiều việc, cung cấp hỗ trợ cho bạn.

- Máy ảo: Bạn cũng có thể sử dụng các chương trình như VirtualBox, VMware cài Windows trong máy ảo > cài Microsoft Office bên trong nó. Với chế độ Seamless Mode (VirtualBox) hoặc Unity Mode (VMware), cửa sổ Office sẽ xuất hiện trên desktop của Linux. Phương pháp này cung cấp khả năng tương thích tốt nhất, nhưng cũng là nặng nhất vì bạn phải chạy phiên bản Windows đầy đủ ở chế độ nền.

Chúng tôi sẽ tập trung vào việc sử dụng Wine hoặc CrossOver để cài Office trực tiếp trên Linux. Nếu bạn muốn sử dụng máy ảo, tất cả những gì bạn phải làm là cài đặt VirtualBox hay VMware Player > tạo ra một máy ảo mới. Chương trình sẽ hướng dẫn bạn từng bước cài đặt Windows > cài đặt Office bên trong Windows đã ảo hóa như bình thường .

2. Cài đặt Microsoft Office với Wine

Do Office 2013, Office 2010 không làm việc đúng cách, chúng tôi đã thử nghiệm Office 2007 với quá trình này. Nếu sử dụng Office 2003, bạn sẽ thấy nó còn hoạt động tốt hơn.

Đầu tiên, hãy cài gói Wine trong hệ điều hành Linux của bạn. Trên Ubuntu, mở Ubuntu Software Center > tìm kiếm Wine > cài đặt gói Wine.


Tiếp theo, đút đĩa Microsoft Office vào máy tính > mở nó trong trình quản lý tập tin > nhấp chuột phải vào tập tin setup.exe > mở với (Open With) Wine.


Trình cài đặt sẽ xuất hiện, và nếu mọi việc suôn sẻ, bạn sẽ trải qua quá trình cài đặt trên Linux bình thường như trên Windows .


Chúng tôi đã không gặp bất kỳ vấn đề nào khi cài đặt Office 2007, nhưng điều này sẽ thay đổi tùy theo phiên bản Wine, hệ điều hành Linux và đặc biệt là phiên bản Microsoft Office bạn đang cố sử dụng.


3. Cài đặt Microsoft Office với CrossOver

Nếu phương pháp Wine không làm việc hoặc có vấn đề, bạn hãy thử sử dụng CrossOver để thay thế. CrossOver cho thử nghiệm 2 tuần miễn phí, nhưng phiên bản đầy đủ sẽ có giá 60 USD nếu bạn muốn tiếp tục sử dụng nó .

Sau khi tải về và cài đặt CrossOver, hãy mở ứng dụng CrossOver và sử dụng nó để cài đặt Office. Với CrossOver, bạn có thể làm mọi thứ như với phiên bản tiêu chuẩn của Wine, nhưng CrossOver yêu cầu bạn làm ít việc hơn.

4. Sử dụng Microsoft Office trên Linux

Sau khi cài đặt, các ứng dụng Microsoft Office sẽ hiện lên trong giao diện khởi đầu (launcher) của desktop. Trên Ubuntu, chúng tôi đã phải đăng xuất và đăng nhập lại trước khi các shortcut xuất hiện trong launcher của desktop Unity.


Office hoạt động khá tốt trên Linux. Nhờ Wine, bạn dễ dàng lưu/nạp các tập tin từ hệ thống tập tin Linux tiêu chuẩn.


Trên Linux, giao diện Office rõ ràng là không giống như trên Windows, nhưng nó chạy khá tốt. Mỗi chương trình Office sẽ làm việc bình thường, mặc dù có thể một số tính năng không hoạt động đúng trong Wine.


(Theo XHTT)